Tin mới

Bài học dạy con thành công -Tư duy tăng tiến (growth mindset)

Hôm nay mình rất tâm đắc với dòng tít này của bài phỏng vấn vận động viên Nguyễn Thị Ngoan, người vừa vô địch hạng cân 61 kg môn karate tại giải K1 thế giới: "Không thua SEA Games, chưa chắc có huy chương vàng thế giới". Nó làm mình liên hệ đến vấn đề tư duy tăng tiến (growth mindset). 

Mọi người thường nói "thất bại là mẹ thành công", nhưng sự thật là không phải ai thất bại thì sau đó cũng thành công. Có những người gặp thất bại là trượt dài luôn và bỏ cuộc. Chỉ có những người có growth mindset mới biến thất bại thành cơ hội để học hỏi và buộc bản thân mình phải cố gắng nhiều hơn để rồi sau đó thành công.

Dạy con đúng cách 

Có một câu chuyện sau đây về vai trò của cha mẹ và thầy cô giáo. Bạn hãy đọc tình huống và lựa chọn trước khi xem tiếp phần sau. Con bạn, khoảng 8-9 tuổi, rất thích môn thể dục dụng cụ và đã tập luyện rất nhiệt tình để thi đấu. 

Bé tham gia một giải thi đấu và tự tin rằng mình sẽ đạt huy chương. Kết quả là tuy bé trình diễn rất tốt trong khả năng mình, bé lại không đạt được huy chương nào. Bạn có một trong những lựa chọn sau đây để nói với bé:

1. Trong mắt ba mẹ con là người trình diễn đẹp nhất hôm nay.

2. Con trình diễn tốt lắm, nhưng con thiếu sự may mắn/ Ban giám khảo thiên vị.

3. Con đừng lo, lần sau đi thi giải khác con sẽ đạt huy chương thôi.

4. Thôi con đừng buồn làm gì, dù sao môn thể dục dụng cụ cũng chỉ là một môn giải trí thôi mà. Con có thể thử sức những môn khác.

5. Sự thật là con chưa xứng đáng để đạt huy chương hôm nay. Có thể con sẽ cảm thấy buồn nhưng ba/mẹ cần nói với con biết điều đó. Con có thể cải thiện abcd... Con hãy cố gắng tập luyện hơn nữa để tiếp tục thử sức ở những lần sau.

Quan tâm con đúng lúc 

Thông điệp của tư duy tăng tiến là lựa chọn số 5. Thông điệp 1 đến 4 đều đưa đứa trẻ vào một tư duy cố định và chối bỏ một cơ hội học hỏi và rèn luyện của con. (1 - đưa con vào trong thế giới tưởng tượng của ba mẹ, trở thành cái rốn của vũ trụ và bất kể kết quả khách quan và nhìn nhận của người khác là như thế nào, 2 - đổ thừa hoàn cảnh và tác nhân khác, 3 - hứa hẹn sự thành công một cách dễ dàng - không cần tập luyện, mọi thứ sẽ "trên trời rơi xuống", 4 - đánh lạc hướng, xem nhẹ thất bại bằng cách "thua môn này ta đi chơi môn khác").

Dạy con có khoa học 

Sự thật là nếu chúng ta bắt đầu ở góc độ làm gì để an ủi con mình, có lẽ lựa chọn số 5 không phải là lựa chọn đầu tiên và lựa chọn dễ dàng. Khi chúng ta loay hoay giữa lựa chọn 1 đến 4 thì đó là tiếng nói của tư duy cố định trong đầu chúng ta đang dẫn dắt, một mặt thì muốn an ủi con, nhưng đâu đó thì mình cũng có chút băn khoăn về năng lực của con mình và chính cha mẹ cũng không xem sự thất bại như một cơ hội học hỏi của con (và có thể là của chính mình).

Tuy mỗi người chúng ta sinh ra đều có "thiên hướng" về sở thích, tính cách, tư duy, v.v. (ví dụ một số người sinh ra đã có "thiên hướng thuận lợi") nhưng giáo dục của môi trường xung quanh, sự tác động của cha mẹ, thầy cô và sự phấn đấu của bản thân quyết định điểm đến của mỗi cá nhân. Ở góc độ những nhà giáo dục, chúng ta hãy cố gắng cho con em mình "doping" tối đa nhất của tư duy tăng tiến (và những tính cách tích cực khác) nhé!

Theo Thảo Trần

No comments